Mình lượm lặt thông tin về những con đèo và hầm dọc miền Trung Việt Nam mà mình đã được dịp đi qua nhân chuyến Xuyên Việt 2022 vừa rồi. List các đèo theo thứ tự trải dài từ Bắc vào Nam bắt đầu từ Đèo Ngang, Đèo Hải Vân, Đèo Cù Mông và kết thúc tại Đèo Cả – những tuyệt tác của tự nhiên cùng những công trình hầm xuyên đèo núi – tuyệt tác của con người.

So giữa núi với biển, thì mình là người yêu núi hơn. Sự hùng vĩ của núi rừng làm mình đắm đuối. Tuổi trẻ rong ruổi, mình cũng được chinh phục nhưng con đèo rất đẹp của miền Bắc Việt Nam: Đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang), Đèo Bắc Sum (Hà Giang), Đèo Ô Quy Hồ (từ Lai Châu sang Lào Cai), Đèo Khau Phạ (Yên Bái), Đèo Mã Phục (Cao Bằng). Luôn vô cùng háo hức khi được chiêm ngưỡng những con đèo từ xa, cheo leo trên vách núi, và cực kỳ mãn nguyện khi xe đến đỉnh đèo. Từ những góc nhìn thoáng, bạn sẽ nhìn thấy con đường như những chú rằn ngoằn ngoèo bám núi mà xe đã đi qua. Chuyến đi Xuyên Việt 2022, mình không chủ đích khám phá những con đèo ở miền Trung Việt Nam, nhưng khi được đi qua và tìm hiểu thì mình cũng thấy vô cùng xúc động. Chính vì thế mình quyết định tìm hiểu và viết lại bài chia sẻ này để ghi nhớ.

Hình ảnh 4 con đèo qua các tỉnh miền Trung Việt Nam theo hướng từ Bắc vào Nam:

Tên đèo/hầmVị trí địa lýDài (km)Thời gian xây dựngNgân sách đầu tưĐơn vị đầu tư
Đèo NgangNối giữa Kỳ Anh Hà Tĩnh & Quảng Bình. Trên dãy núi Hoành Sơn. Nằm trên Quốc lộ 16km, đỉnh cao 250m
Hầm đường bộ Đèo Ngang495m2003 – 2004150 tỷ đồngTổng công ty Sông Đà
Đèo Hải VânNối giữa Thừa Thiên Huế & Đà Nẵng, nằm trên trục Quốc Lộ 1. Được bình chọn là 1 trong 10 cung đường ven biển đẹp nhất thế giới20km, đỉnh cao 500m
Hầm đường bộ Hải Vân6,28km – mệnh danh hầm đường bộ dài nhất Việt Nam & Đông Nam Á2000 – 2005250 triệu đô la. So với tỉ giá thời bấy giờ, giá trị tương đương 3,750 tỷ đồng.Liên danh Hazama Nhật Bản & Cienco 6.
Đèo Cù MôngNối giữa Bình Định và Phú Yên, thuộc dãy Trường Sơn Nam đổ thẳng ra biển7km, đỉnh cao 245m
Hầm Cù MôngDài 2,6km, gồm 2 đường hầm song song2015 – 20193.921 tỷ đồngTập đoàn DEOCA
Đèo CảGiáp ranh giữa tỉnh Phú Yên & Khánh HòaĐèo dài 12km cao 333m
Hầm Đèo Cả (Hầm Đèo Cả & Hầm Cổ Mã)Bao gồm 2 hầm đèo là đèo Cả dài 4,1km, hầm Cổ Mã dài 500m.2013 – 201715.603 tỷ đồngCông ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả

Đèo Ngang (nối Hà Tĩnh & Quảng Bình)

Đèo Ngang là con đèo vượt dãy Hoành Sơn, dài 6km với độ cao của đỉnh là 250m so với mực nước biển. Đây là một chốt hiểm yếu trên con đường thiên lý Bắc – Nam. Ngoài ra, đèo Ngang còn có giá trị lịch sử quan trọng, nơi đây đã từng là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành ngày xưa. Đèo Ngang nổi tiếng còn nhờ bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan:

“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà”

Đèo Ngang – Góc nhìn được cả hầm & đèo (ảnh sưu tầm)

Năm 1833, vua Minh Mạng cho xây Hoành Sơn Quan (cửa Hoành Sơn) ở đỉnh Đèo Ngang, cao hơn 4m, hai bên có thành đăng dài hơn 30m, ở trên cửa đắp nổi ba chữ Hoành Sơn Quan. Hai phía Hoành Sơn Quan đào núi thành 1000 bậc. Nay Hoành Sơn Quan vẫn còn, không nguyên vẹn nhưng vẫn uy nghi, phong trần nơi đầu núi góc biển.

Hoành Sơn Quan (Xuyên Việt 2022)

Hầm đường bộ Đèo Ngang

Hầm đường bộ Đèo Ngang là hầm trên Quốc lộ 1 xuyên qua dãy Hoành Sơn tại vùng giáp ranh của hai tỉnh Hà Tĩnh & Quảng Bình. Bên này hầm là thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và xuyên qua đường hầm dài gần 500m là vùng đất Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Hầm chính dài 495m với hệ thống đường dẫn nên toàn tuyến dài hơn 2km. Hầm được xây dựng năm 2003 và thông xe sau đó 1 năm là năm 2004, được xây dựng bởi Tổng công ty Sông Đà với số vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng.

Đường vào Hầm đèo Ngang (Xuyên Việt 2022)

Đèo Hải Vân (nối Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng)

Đèo Hải Vân còn có tên là đèo Ải Vân (vì trên đỉnh đèo xưa kia có một cửa ải) hay đèo Mây (vì đỉnh đèo thường có mây che phủ), cao 500 m (so với mực nước biển), dài 20 km, cắt ngang dãy núi Bạch Mã (là một phần của dãy Trường Sơn chạy cắt ra sát biển) ở giữa ranh giới 2 tỉnh là Thừa Thiên Huế & Đà Nẵng. Lên đến giữa đèo là chúng ta có thể phóng tầm mắt nhìn về Đà Nẵng với đủ sự phát triển dễ dàng nhận diện qua thời gian. Đèo Hải Vân được mệnh danh là top cung đường ven biển đẹp nhất thế giới.

Theo sử liệu, trước năm Bính Ngọ (1306), vùng đất có đèo Hải Vân thuộc về hai châu Ô, Rí của vương quốc Champa (còn gọi là Chiêm Thành) Sau khi được vua Champa là Chế Mân cắt làm sính lễ cầu hôn Công chúa Huyền Trân đời Trần năm 1306, thì toàn bộ ngọn đèo này mới thuộc về nước Việt mình

Ngày nay, trên đỉnh đèo Hải Vân vẫn còn dấu vết của một cửa ải. Cửa ải này được gọi là Hải Vân Quan xây từ đời Trần và được trùng tu vào thời Nguyễn (vua Minh Mạng năm 1826) Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ “Hải Vân Quan”, cửa trông xuống Quảng Nam đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Thành phố biển Đà Nẵng nhìn từ đèo Hải Vân (Xuyên Việt 2022)

Hầm Hải Vân

Hầm Hải Vân được nhà nước chủ trương xây dựng từ đầu năm 2000, dưới thời thủ tướng Phan Văn Khải. Đây là công trình hầm lớn đầu tiên được thi công tại Việt Nam. Hoàn thành sau 5 năm với gía trị đầu tư gần 4000 tỷ đồng, Hầm Hải Vân là hầm đường bộ dài nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Vnexpress trong 1 bài viết của mình đã tóm gọn lại các dấu mốc như sau:

Mình sưu tầm một bài viết khá hay và chi tiết về việc thi công Hầm Hải Vân từ góc nhìn của các kỹ sư đã trực tiếp làm đường hầm này từ cách đây cả 20 năm. Bài viết có hé lộ hình ảnh vận hành bên trong Hầm Hải Vân (dù hơi lỗi font chữ chút)

Theo như mình đọc, đến năm 2016, Nhà nước đã phê duyệt dự án mở rộng đường hầm Hải Vân bao gồm cải tạo hầm Hải Vân 1 và đầu tư xây dựng hầm Hải Vân 2 trên tuyến hầm tránh cũ. Công trình này hiện cũng đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng.

Đèo Cù Mông (nối Bình Định – Phú Yên)

Đèo Cù Mông nằm trên Quốc lộ 1 ở ranh giới giữa tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên. Về địa lý, đèo là tuyến đường bộ đi qua dãy núi Cù Mông, một trong những nhánh đâm ra biển của dãy Trường Sơn Nam. Trước đây khi chưa có tuyến đường quốc lộ 1D thì đèo là con đường chính để qua lại giữa Bình Định và Phú Yên.

Ảnh đèo Cù Mông (sưu tầm)

Tên Cù Mông huyền thoại còn được ghi nhớ đến ngày nay là do thế núi trải dài tựa con rồng từ cao nguyên An Khê (Gia Lai) đổ ra biển. Trong đó đầu rồng là xã Xuân Lộc (Phú Yên) kéo dài tới Ghềnh Ráng (Quy Nhơn), còn dãy Ngok Linh là phần đuôi. Cù Mông xưa gọi là Cù Mãng, trong đó Mãng là con rắn thần, Cù là linh vật có đầu lân mình rồng. Cù Mông ý nói đến thế núi có hình rồng. 

Đèo Cù Mông được lựa chọn là 1 trong 5 con đèo đẹp nhất Việt Nam.

Hầm Cù Mông

Hầm đường bộ Cù Mông là hầm trên Quốc lộ 1 xuyên qua dãy núi Cù Mông, nối liền hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Đây là hầm đường bộ dài thứ ba tại Việt Nam, sau hầm Hải Vân và hầm Đèo Cả. So với đèo Cả, địa chất ở khu vực thi công hầm đèo Cù Mông phức tạp hơn, với tầng đá bị phong hóa mạnh. Đơn vị tư vấn Nippon Koei (Nhật Bản) lập dự án khảo sát đã phát hiện địa chất nơi đây có nhiều đới đứt gãy. Để tránh những đới đứt gãy địa chất lớn, các chuyên gia, kỹ sư buộc phải thi công theo đường cong vòng cung nhằm giảm thiểu hiện tượng sụt trượt đất, đá. Nên khi đi qua đây, bạn sẽ thấy một điều rất lạ là hầm cong, chứ không thẳng như những hầm khác.

Hầm Cù Mông (Xuyên Việt 2022)

Hầm Cù Mông được khởi công xây dựng từ tháng 9/2015, có tổng vốn đầu tư khoảng 4000 tỷ đồng do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư. Hầm gồm 2 ống ngầm cách nhau 30m. Mỗi ống rộng 10m với 2 làn ô tô di chuyển với vận tốc tối đa 80km/h.

Đèo Cả (nối Phú Yên – Khánh Hòa)

Đèo Cả có chiều dài khoảng 12km, nối liền 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Con đèo cao khoảng 333m, được mệnh danh là một trong những con đèo hùng vĩ nhất Việt Nam. 

Sau khi hầm đèo Hải Vân được thông xe vào năm 2005, thì đèo Cả là con đèo nguy hiểm nhất còn lại trên tuyến quốc lộ 1 vì có đến 98 vòng cua, trong đó 10 vòng cua rất nguy hiểm. 

Trong lịch sử nơi đây từng là ranh giới giữa nước Đại Việt và Chiêm Thành, khi vua Lê tiến vào Nam đã phải dừng chân tại Đèo Cả vì địa hình hiểm trở không cho phép đi tiếp. Ông dựng một cứ địa nhỏ tại Phú Yên đặt tên là Hoa Anh. Trong suốt thời gian từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 16 nơi đây là ranh giới điểm nóng xảy ra nhiều cuộc giao tranh giữa quân Đại Việt và Chiêm Thành. Không những thế vào khoảng cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 nơi đây là địa điểm lịch sử ghi dấu các cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh và anh em Nhạc – Lữ – Huệ. Đèo Cả xứng đáng là một địa danh lịch sử nổi tiếng vì đã từng chứng kiến nhiều biến động của thời cuộc. Đến năm 1947 đèo Cả tiếp tục chứng kiến nhiều cuộc giao tranh giữa quân đội thực dân Pháp và Mặt trận Việt Minh.

Hầm Đèo Cả

Hầm đường bộ Đèo Cả là một hệ thống đường hầm thay thế cho Đèo Cả vốn rất hiểm trở và nguy hiểm. Đường hầm này nối liền hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, nằm trên tuyến đường Quốc lộ 1 huyết mạch Việt Nam.

Con đường đi vào Hầm Đèo Cả (Xuyên Việt 2022)
Qua Đèo Cả một đoạn sẽ đến hầm Cổ Mã (Xuyên Việt 2022)

Hầm được khởi công ngày 18 tháng 11 năm 2013, hoàn thành và thông xe vào ngày 21 tháng 8 năm 2017. Đây là một trong những hầm đường bộ hiện đại nhất Việt Nam và là hầm dài thứ hai trong cả nước, đứng sau Hầm Hải Vân.

Hai hạng mục chính của dự án là hầm đèo Cả và hầm Cổ Mã có hai ống hầm song song, mỗi ống có hai làn xe khai thác cùng chiều đảm bảo vận tốc khai thác 80km/h. Hầm đèo Cả dài 4.125m, hầm Cổ Mã dài 500m.

Hình ảnh sau đây sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn về địa hình của Đèo Cả và tuyến hầm thông đèo.

Minh họa công trình Đèo Cả theo Tuổi Trẻ

Trong list các con đèo & hầm ở bài viết này, trên hành trình Xuyên Việt 2022, mình được chinh phục 2 con đèo là đèo Hải Vân & đèo Ngang. Còn đèo Cả và đèo Cù Mông là chưa đi. Còn lại đã đi qua hết các đường hầm. Hẹn gặp lại những con đèo này trong những chuyến đi khám phá Việt Nam tiếp theo nhé.