“Nếu có dịp sở hữu một mảnh đất ngoài Hà Nội, chắc chắn sẽ là Hà Giang nhé”

Mái nhà trình tường & Gốc đào trên nền trời xanh tại Làng Cổ Thiên Hương, anh Nam chụp Tết 2024

Đấy là câu mình từng nói với anh Nam, khá lâu rồi. Được đi nhiều tỉnh thành dọc dài Việt Nam, có lẽ đây là mảnh đất để lại trong mình nhiều rung động nhất. Khó giải thích được bằng lời, chỉ đơn giản là rung động hơn. Mình là tuýp thích núi hơn biển, và trong vô vàn các kiểu núi thì mình thích Hà Giang hơn những địa điểm khác.

Vẫn luôn nhớ những nét đặc trưng nhất của cao nguyên đá là những dốc đá dựng thẳng đứng đen sì sừng sững giữa trời, là những khoảng thung lũng bát ngát mênh mông được che chở bao bọc bởi dãy núi hai bên, là những cành đào trơ khấc cong queo bên hiên nhà khi đông về và bung 5 cánh đơn đầy sức sống mỗi khi Tết đến xuân về, là những nếp nhà trình tường đắp đất và lát ngói âm dương nhiều màu sắc, là những nét chéo trên những sườn núi bởi những con đường kết nối các điểm bản làng xã với nhau. Tất cả gói lại trong một Hà Giang tuyệt đẹp.

Hà Giang nay cũng đã thay đổi rất nhiều, không còn vắng lặng và hoang vu như ngày xưa, người dân đã bám núi bám bản trên dọc tuyến đường, đông đúc hơn nhiều. Khi đến những điểm chính như Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, khéo bạn còn ko nhận ra đây là miền núi nữa, phát triển như dưới xuôi rồi. Lần đi trước của mình đến Hà Giang cùng chồng là dịp kỷ niệm 4 năm ngày cưới vào tháng 11/2016, album cũ: https://www.facebook.com/media/set/?set=a.1436997712978583&type=3

Trở lại Hà Giang vào đầu xuân 2024, 2 vợ chồng mình cùng 2 gia đình đưa các con đi cùng chinh phục lại Hà Giang trong 4 ngày, xuất phát từ mùng 2 Tết lúc 9h sáng và về nhà tại Hà Nội vào lúc 9h tối ngày mùng 5 Tết. Ngoài những điểm chính cũng đã quen thuộc, chúng mình có khám phá 1 điểm đến mới, đó là Làng Thèn Pả – làng người Mông dưới chân núi Lũng Cú. Một nơi mới được khai thác nhưng ấn tượng vô cùng, cùng theo chân chúng mình lại nhé.

Ngày 1 – Mùng 2 Tết

9h30 sáng xuất phát từ nhà tại Kim Nỗ, Đông Anh. Nhà mình đi theo đường Cao Tốc Nội Bài Lào Cai, ra khỏi IC9 và rẽ vào Cao Tốc Tuyên Quang Phú Thọ. Đến tầm trưa 12h30 chúng mình nghỉ trưa tại ven đường tại Hàm Yên Tuyên Quang. Biết là mùng 2 sẽ vắng hoe nên chúng mình đã chuẩn bị đồ ăn từ nhà (bánh chưng giò chả, hoa quả, bánh kẹo cơ bản) Mang theo dao kéo, chiếu nghỉ trưa để trải tiện chỗ nào ngồi camp chỗ đó. Sau đó mình di chuyển tiếp đến thành phố Hà Giang lúc 3h30.

Tại Hà Giang, chụp ảnh check in tại km số 0, rồi nhà mình đi thẳng về Quản Bạ. Mình ở Dao Lodge, ở làng Nặm Đăm, Quản Bạ.

3 xe của đoàn tại Dao Lodge – Quản Bạ

Thông tin chỗ nghỉ: Dao Lodge

https://www.facebook.com/DaoLodge/

Địa chỉ: Làng Nặm Đăm, Quản Bạ Hà Giang. Link địa điểm: https://maps.app.goo.gl/SW9rsjWMHwsUXK9dA

Giá phòng ngày thường 700k phụ thu Tết 200k. Tổng 3 phòng là 2tr7. Vệ sinh khép kín, có đệm sưởi, có bồn tắm gỗ. Chỗ ở khá chill. Là căn homestay duy nhất có 2 tầng tại vùng này. Ở trên tầng 2 ngắm khung cảnh xung quanh thích ạ. Book qua anh Hoàng Văn Tú, chủ homestay. Call: 0943.468.488

Ngày 2 – Mùng 3 Tết

Ban ngày Hà Giang có thể 23-24 độ nhưng đêm xuống và sáng sớm thì chỉ còn 10 độ. Lạnh nhưng ko quá buốt như kiểu 10 độ tại Hà Nội. Nhưng phần lớn các khu nghỉ tiêu chuẩn cao 1 chút trên này sẽ có đệm sưởi. Sáng dậy cả nhà mình sửa soạn, chị em phụ nữ thì diện luôn áo dài và rời Quản Bạ tầm 8h hơn. Điểm đến là Phở Tráng Kìm (cách vài cây số) Phở bánh tráng tay, rất ngon, thịt gà luộc chế biến cũng ngon. Giá ngày thường 40k và ngày lễ là 50k.

Rời Tráng Kìm, mình di chuyển tiếp qua địa phận Yên Minh. Khi đi qua cầu Cán Tỷ, các bạn sẽ hơi ngạc nhiên một chút vì tấm biển chỉ dẫn 2 đường đi Yên Minh, 1 đường hơn 40km và 1 đường 20km. 2 con đường đều dẫn đến thị trấn Yên Minh nhưng theo 2 hướng khác nhau. Con đường dài hơn đi qua Rừng thông Yên Minh, đường dễ đi hơn, còn con đường ngắn hơn thì có đi qua Cây Nghiến Cô Đơn Hà Giang, nhưng xóc, khúc khuỷu và nhỏ hơn. Chiều đi mình đi đường 40km và chiều về đi theo 20km (đi qua xã Lao và Chải) Bạn đọc thêm bài này để chọn con đường phù hợp.

Đi qua thị trấn Yên Minh, trên đường vào Sủng Là, các bạn sẽ đi qua Dốc Thẩm Mã, là con dốc đặc trưng của Hà Giang không phải vì nhiều cua mà vì ở đây bạn sẽ có view point nhìn được con dốc khúc khuỷu. Đi cả chặng thì Hà Giang quá trời khúc cua tay áo lắt léo hơn nhiều nhưng chỉ ở đây bạn mới nhìn thấy được con đường mình đã đi qua ấn tượng đến thế.

Nhà mình chụp tại Dốc Thẩm Mã, vì đông quá nên ko thấy dốc đâu 🙁 Ảnh khi vắng up ở dưới nhé.
Ảnh anh Nam chụp trong chuyến đi năm 2016.

Rời dốc Thẩm Mã, mình di chuyển đến Sủng Là, làng văn hoá Lũng Cẩm với địa danh Nhà của Pao trong thước phim nổi tiếng. Dốc Thẩm Mã những ngày Tết siêu đông vì thường các xe đỗ 1 dọc ven đường, thế là khi nào vừa có xe lên xe xuống là đường sẽ lại tắc. Ngoài ra chỗ này cũng rất đông quán xá, xô bồ hơn nhiều rồi ạ.

Điểm ấn tượng của Lũng Cẩm là hàng hoa lê dọc 2 đường đi vào, nhưng lúc mình đi hoa lê chưa nở. Vào đây hàng quán cũng đông đúc. Tết thì cứ đến mấy địa điểm du lịch này quán có thể ko mở nhưng hàng ăn vặt ở vỉa hè với các món đặc trưng như: xúc xích nướng, lạp xưởng nướng, thịt nướng, cơm lam, trứng khoai nướng… không thiếu nhé.

Rời Lũng Cẩm, nhà mình đi vào Phố Cổ Phó Bảng hy vọng tìm những nếp nhà cũ đặc trưng khuôn viên của người Mông. Ngày Tết nhà nào cũng dán 3 tờ giấy đỏ lấy. may trước cửa nhà. Lượn 1 vòng quanh phố cổ, mình tìm thấy một căn nhà ở trung tâm có nhà, có sân vườn trồng rau, có cây mận nở trắng vườn, thế mà cả nhóm lại lao vào chụp ảnh. Lúc mình đến nhà họ đang ngồi nói chuyện rôm rả xung quanh vườn, xuống xe mình xin phép được vào chụp với cây mận và nhà họ, họ rất vui vẻ đồng ý và còn bảo chị ko thu tiền như chỗ nhà của Pao đâu an tâm 😀

Rời Phó Bảng, nhà mình đến Sà Phìn và vào Dinh Vua Mèo. Hôm mùng 3 mình đi, chợ Sà Phìn rất đông đúc, có lẽ là phiên chợ Tết. Hôm sau mình rẽ vào thì không còn chợ đông nữa, vẫn thấy tiếc. Qua chợ Sà Phìn 1 đoạn là Dinh Vua Mèo. Nếu bạn từng đến sẽ nhớ Dinh Vua Mèo nằm lọt thỏm giữa thung lũng, di chuyển vào rất khó, có 1 con đường độc đạo duy nhất. Khi xe cộ đông chỗ này cũng khó đi. Mình cũng loanh quanh phải gần tiếng mới xuống được và đỗ xong xe. Nhưng Dinh Vua Mèo thì rất ấn tượng vì nét kiến trúc kết hợp của người Mông, của Trung Quốc và của Pháp. Nhà là cả một quần thể với sân vườn độc đáo.

Thêm một điều nữa mình phát hiện ra, đồ ăn và các đồ đạc bán ở Dinh Vua Mèo giá cả rất hợp lý, có lẽ do nó gần chợ. Tỉ dụ ở đây có cả đặc sản thịt cuốn cải mèo, có cả Bánh rán rất thơm ngon, giá cả cũng hợp lý hơn nhiều so với điểm Nhà của Pao trước đó. Mọi người đi Tết thì nên qua đây ăn nhé.

Sau đó, mình di chuyển về Đồng Văn và đến nơi tầm 5h chiều. Tại đây nhà mình chia làm 2 chỗ ở, vì book bị nhà trước nhà sau nên không ở được cùng nhau. Căn nhà mình book sau là căn nhà cổ từ năm 1925 của một bác tên Hoàng Thân. Căn nhà rất chill, trữ tình, chiều nét trang trí đặc trưng của người dân tốc. Cũng chỉ cách phố cổ một vài bước chân. Không có vệ sinh khép kín, nhưng cũng rất tiện dùng. Còn 2 gia đình đi cùng book được 1 chỗ nghỉ ngay rìa phố cổ và phòng siêu rộng, contact qua Mèn Mén Homestay.

Thông tin căn nhà mình ở: Nhà cổ 1925 https://www.facebook.com/nhacohomestay/

Giá phòng 600k, contact chú Thân: 038 812 0866

Buổi tối mùng 3 tại Phố Cổ Đồng Văn đông vui lắm rồi, hàng quán cũng mở đủ cả. Từ gội đầu đến mát xa, đến lẩu, và các món ăn vặt. Mình thấy đủ các dịch vụ. Chỉ lưu ý ăn uống thì cũng đông và phải book trước. Các dịch vụ mát xa cũng có nhưng ít nhân viên làm. Chúng mình làm nồi lẩu gà đen đặc trưng và sau đó để bụng ăn vặt loanh quanh ạ.

Ngày 3 – Mùng 4 Tết

Sáng dậy cả nhà mình ăn bánh cuốn gia truyền ngay chợ Đồng Văn. Ăn thì ngon nhưng nhược điểm là phải đợi quá lâu và thậm chí còn dành nhau ăn 😀 Ăn xong mình pack đồ di chuyển tiếp. Ngày hôm nay là ngày cuối ngủ ở Hà Giang, chúng mình sẽ lên Thèn Pả. Mình có check với bên làng trước về việc nướng đồ, sau đó tranh thủ lúc đang ở chợ Đồng Văn chúng mình mua rau, mua cơm lam, mua khoai để tối nướng.

Điểm đến đầu tiên trong ngày mùng 4 Tết là Làng Cổ Thiên Hương, cách Đồng Văn tầm 7km. Đường đi nhỏ, lên rất cao, cảm giác đi đoạn này như quãng đường lên Tà Xùa. Chót vót trên cùng của đỉnh núi, đi lên một bên là núi bên kia là vực sâu hẳn luôn cũng thấy nguy hiểm. Điều gây bất ngờ nhất cho cả đoàn là cụm Cây đa làng cổ Thiên Hương. Ngạc nhiên lắm khi bạn đi quanh co núi đồi lên điểm rất cao, xong thấy một khoảng sân vườn rộng tầm mắt, nơi có đến 9-10 gốc đa phải đến cả nghìn tuổi, nhìn sừng sững và linh thiêng lắm luôn.

Từ cụm cây đa cổ đường nhỏ dần và đi vào làng cổ. Làng cổ giờ thế hệ trẻ cũng đi gần hết, còn chủ yếu người lớn ở nhà, không khí trầm buồn. Lang thang trong làng cổ, vị trí này gần sát với biên giới Trung Quốc luôn, đi loanh quanh ngắm các căn nhà cổ. Lũ trẻ khá thích thú vì được chứng kiến đời sống sinh hoạt của người dân bản địa, cho lợn gà ăn, trồng rau các kiểu.

Căn nhà có vườn hồng rực rỡ trước cổng đá, nhưng hiện đang ko có ai ở.

Lang thang loanh quanh trong làng đến tầm 11h nhà mình rời làng cổ để đi Mã Pì Lèng. Sau đó đi chơi ở Mã Pì Lèng. Tại đây vì là điểm du lịch hot nhất của Hà Giang nên đường rất đông. Mình dừng xe ở chỗ đặt biển Con đường hạnh phúc, sau đó cho cả đoàn ăn trưa nhẹ nhàng với mì úp, đồ nướng (giá trên này lại bị cao) Sau đó vòng ngược lại để đi Cột cờ Lũng Cú & Làng Thèn Pả. Từ Mã Pì Lèng, di chuyển 50km mình về Thèn Pả.

Khi đến Thèn Pả tầm hơn 3h chiều, chúng mình check in nghỉ ngơi chút xíu rồi sau đó đi lên cột cờ Lũng Cú. Đúng là nên lên Cột cờ vào buổi chiều thì sẽ quang mây có ánh sáng đẹp hơn. Còn nếu vào ban sáng thì hay bị mây che phủ. Tổng thời gian ở Cột cờ gần 2 tiếng đến 5h30 chúng mình về đến nhà. Lên Cột Cờ các bạn có thể đi bộ leo bậc thang (hơn 700 bậc) hoặc gửi xe rồi đi xe điện hoặc xe máy lên. Ngay cả khi đi xe điện bạn sẽ vẫn cần leo hơn 100 bậc nữa mới lên được đến đỉnh. Khi lên đến đỉnh cột cờ Lũng Cú, chúng mình nhìn thấy Thèn Pả ở dưới chân núi, rất đáng yêu.

Ngay dưới chân núi bạn thấy những nếp nhà và có cái sân hình ngôi sao, bên cạnh là hồ Mắt Rồng và xa xa là Chùa Lũng Cú.

Thôn Thèn Pả thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn nằm dưới chân núi Rồng, nơi đặt cột cờ Lũng Cú được coi là điểm cực Bắc của Việt Nam. Dưới chân núi Rồng có hai hồ nước ngọt được người dân địa phương gọi là “Mắt Rồng” quanh năm không bao giờ cạn. Hồ bên trái nằm gần thôn Lô Lô Chải, hồ bên phải nằm gần thôn Thèn Pả. Nếu như Lô Lô Chải đã là một địa điểm quen thuộc với du khách đến Hà Giang thì Thèn Pả là cái tên mới và nguyên sơ hơn. Thèn Pả được biết đến là ngôi làng nằm ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú, còn giữ nguyên vẹn nhiều nét truyền thống của người Mông như nếp sinh hoạt hay nhà trình trường với mái ngói âm dương. Điểm thú vị của Thèn Pả là được khai thác du lịch theo đơn vị làng, nên cảm nhận được không khí và sự thân quen hơn ở các khu vực khác.

Thông tin liên hệ với làng: Hotline: 0868 702 323

https://www.facebook.com/Thenpavillage/

Mình book 3 căn bungalow, giá được giữ ko tăng dịp Tết là 4,5tr cho 3 nhà. Phòng khép kín, decor đẹp, có đệm sưởi, có máy sưởi gốm, trong nhà vệ sinh có đèn sưởi. Trang thiết bị rất mới và ưng. Làng được khai thác kết hợp cùng người dân bản địa nên cảm giác rất gần gũi thân thuộc. Tỉ dụ tối hôm đó sau khi ăn xong, mình nhờ bên Làng nhóm lửa, thì có anh chủ nhà là người Mông nhóm lửa cho chúng mình và ngồi trò chuyện cùng chúng mình mãi.

Ăn uống ở Thèn Pả cũng tiện, cả làng có 1 khu gọi là Thèn Pả Garden được thiết kế rộng, trên một mặt phẳng có sân chơi, có nhiều dãy bàn xếp để ăn nướng lẩu và có cả cafe chill chill. Đến tối làng đốt lửa trại cho các đoàn giao lưu cho vui.

Cả đoàn đi tham quan xung quanh làng Thèn Pả

Mình có làm 1 video vào sáng tinh mơ mùng 5 cho Thèn Pả, tặng lại làng. Hy vọng có thêm nhiều người hiểu rõ hơn, yêu hơn và đến với bản làng (ca khúc Tình ca Tây Bắc do Hồng Duyên biểu diễn được chọn làm nhạc nền cho video này)

Ngày 4 – Mùng 5 Tết

Sáng dậy ở Thèn Pả, Đức dắt chúng mình ra bìa rừng phía sau nhà để xin bà con cây ớt nhỏ tí xíu, đặc trưng của vùng trên này. Sau đó giới thiệu với chúng mình con đường phía sau làng tiếp giáp với rừng nơi bà con vẫn đi lên hàng ngày hái cây làm nương rẫy. Chúng mình quay trở lại ăn sáng với đặc sản mỳ tôm trứng, và rất may bên làng đồng ý rán nốt hộ mình 2 chiếc bánh chưng của đoàn. Thế là cơm no say để sẵn sàng di chuyển về Hà Nội. Mình rời làng lúc gần 9h sáng.

Sau đó đi thẳng một mạch về Hà Nội, có ghé qua thành phố Hà Giang để ăn và nghỉ trưa một lúc hồi 1h30. Mình phải tìm quán và book trước khi đến vì thường các quán ăn trên này sẽ đóng lúc 1h30,2h và bán lại vào 5h chiều. Ngày về, Hà Giang không còn nhiều nắng như những hôm trước mà mờ mịt sương khói. Chặng về cũng thấy nguy hiểm hơn vì có những đoạn mù kinh khủng gần như ko quan sát được đường phía trước, phải bám theo tim đường để đi, bật đèn cảnh báo suốt để các ô tô bám nhau di chuyển. Sau khi nghỉ trưa, chúng mình lại đi một mạch đến gần 7h tối nghỉ tại Trạm dừng nghỉ Cao tốc Nội Bài Lào Cai. Và về đến nhà lúc 9h tối.

Thế là chặng đường Hà Giang Tết 2024 đã khép lại với nhiều kỷ niệm và yêu thương <3 Viết lại recap chuyến đi mình mất hơn 2 tiếng, khi viết lại thì cũng để dành 1 số gạch đầu dòng để mọi người note lại khi đến Hà Giang vào dịp Tết (vì Tết nó có nhiều thứ khác so với ngày thường)

  • Chuẩn bị sẵn nhiều đồ ăn để ăn trên đường, bánh trái hoa quả, sữa nước các loại
  • Nếu xuất phát sớm như nhà mình mùng 2, thì bữa trưa đầu lấy đồ từ nhà đi, ăn kiểu camping luôn cho tiện. Bánh chưng xôi giò gà.
  • Các điểm du lịch, điểm nghỉ chi phí sẽ thường phụ trội thêm 20%-30%, đồ ăn thức uống cũng hạn chế hơn. Nếu trên đường có đi qua các khu chợ của người dân bản địa nên mua tích để tối ăn thêm (nướng/lẩu với thịt, xúc xích và rau)
  • Ngày Tết tại các điểm du lịch chính của Hà Giang đường đông, hay tắc, có thể sẽ bị trễ giờ so với kế hoạch cần linh hoạt.
  • Khi book phòng ở Hà Giang dịp Tết, không nên qua các trang booking mà nên liên hệ trực tiếp, check qua zalo, đặt tiền cọc cho rõ ràng thoả thuận.
  • Quần áo có thể xúng xính ban ngày nhưng đêm vẫn lạnh, luôn cần mũ đội vào buổi tối tránh sương. Cơ bản phòng ngủ các điểm nghỉ được trang bị ấm áp rồi.

Thêm đôi dòng về chi phí:

Vẫn theo thói quen cũ, mình dùng Misa ghi lại các chi phí phát sinh, tổng cộng ăn ngủ nghỉ của 3 nhà trong 4 ngày 3 đêm là gần 20 triệu. Chia ra tầm 6,5tr/nhà. Cộng thêm xăng xe cầu đường (gần 2tr) thì total cost cho 1 nhà là 8,5 triệu nhé. Nếu các bạn cần tham khảo chi tiết mình, kết nối với mình qua Facebook mình sẽ gửi thêm thống kê ạ.

Hết ạ ^^ Mình xin kết lại post này bằng tấm ảnh cả nhà chè tươi tại đâu đó khúc Hà Giang – Quản Bạ ngày đầu di chuyển ạ.

Gia đình Bắp Khoai – Tết Hà Giang 2024 Giáp Thìn.