Vào đầu tháng 8/2019, tại Magestore, mình có đứng lên chia sẻ chủ đề “What Drives You To Grow” Tại phần giới thiệu khoá training này, mình có viết “Thi thoảng đón nhận những góc nhìn mới, làm mình có action hơn là những góc nhìn đã cũ mèm mà chưa thuyết phục được chính bản thân” Mình còn nhớ đêm hôm trước vì mất ngủ nên đọc tiếp cuốn Lean Analytic. Trong đó, tác giả có nhắc lại 3 Engines for Growth của Eric Ries. Đọc xong concept này, mình vội chồm dậy lấy điện thoại note lại dòng suy nghĩ tuôn chảy trong đầu về luồng tư duy mới này.
Trước khi nói đến cái mới, hãy nhắc đến cái cũ. Mình thấy có nhiều model chỉ ra nguồn động lực của mọi người đang đến từ đâu. Ví dụ như tháp nhu cầu Mashslow thì cho rằng khi đã có đủ những nhu cầu thiết yếu & an toàn, người ta sẽ mưu cầu những thứ lớn hơn như cảm giác thuộc về, cảm giác được quý trọng và cơ hội để thể hiện cái tôi của mình ở trước mọi người. Từ nhu cầu thiết yếu này, chúng ta cũng “action” nhiều hơn. Hay trong series Management 3.0, Jurgen Appelo cũng lấy từ nghiên cứu của 3 tác giả Daniel Pink, Steven Reiss, and Edward Deci một khái niệm 10 intrinsic desires. Đây là 10 động lực từ bên trong, là nguồn động lực bền bỉ giúp mọi người không dừng lại.
Giải thích chi tiết hơn của 10 động lực bên trong như sau:
Theo như lý thuyết này, chúng ta sẽ liên tục học hỏi và phát triển bản thân vì những động lực bên trong có thể là sự tò mò về những thứ mới, thử thách; hoặc học vì mình muốn challenge chính khả năng của mình, để đẩy khả năng của mình lên cao hơn; hoặc học để bản thân mình giỏi và nổi bật, được người khác công nhận hay để có một vị trí cao hơn. Nghe thì không có gì là sai cả, đều đúng. Nhưng mình cứ có một cảm giác thiếu “actionable” Kiểu thấy là tốt, nhưng mình chưa biết làm như thế nào. Vì vậy mình kiếm tìm một góc nhìn mới lạ và có tính thuyết phục hơn. Góc nhìn là thứ rất quan trọng, mình dùng một đoạn của bác Carol Dweck để nói về cái này “the view you adopt for yourself profoundly affects the way you lead your life”
Và concept “3 Engines for Growth” của Eric Ries trong Lean Startup chia sẻ về những động lực lớn lao cho các start up hướng đến sự phát triển bền vững, trở thành các Unicorn trong ngành là chìa khoá cho “góc nhìn” mới lạ của mình về việc học tập cá nhân.
Eric Ries cho rằng, có 3 động lực phát triển. 1 là Stickiness – sự thích thú và mong muốn sử dụng sản phẩm của user. Họ thấy sản phẩm có ý nghĩa, họ thấy sử dụng sản phẩm giúp họ thành công hơn và họ quay lại sử dụng liên tục. Động lực thứ 2 là Virality – một người dùng sẽ mang đến bao nhiêu người dùng mới. Đến khi sản phẩm của bạn có được chỉ số Virality Coefficient = 1 thì chắc chắn business của bạn sẽ rất bền (hiểu là 1 người dùng luôn mang theo 1 người mới đến) Động lực cuối cùng chính là Paid Customer – là Revenue – là những khách hàng đang trả tiền cho bạn. Nhưng Eric Ries nhấn mạnh 1 ý. Nếu tiền bạn kiếm được từ hoạt động kinh doanh sau đó không được làm gì cả, chỉ nhét trong két ngân hàng thì không bao giờ tiền trở thành động lực phát triển. NÓ CHỈ TRỞ THÀNH ĐỘNG LỰC KHI BẠN BIẾT DÙNG TIỀN QUAY NGƯỢC LẠI ĐỂ ACQUIRE THÊM KHÁCH HÀNG MỚI.
Chính là chỗ này, chính là quan điểm mình làm mình giật bắn mình. Không phải chỉ là chuyện chi tiền trong hoạt động kinh doanh đâu, mà mình link sang câu chuyện phát triển bản thân.
Chúng ta đã bao giờ tự hoạch định việc chi bao nhiêu tiền cho việc phát triển bản thân mình?
Chúng ta chính là cỗ máy kiếm tiền của chính chúng ta. Nếu coi chúng ta là thực thể 1 business, thì chúng ta có đang invest lại vào bản thân mình với kỳ vọng tạo ra hiệu suất cao hơn, kiếm được nhiều tiền hơn?
Một lí do chính của việc chia sẻ cho mọi người, và mình mong muốn chia sẻ nhiều hơn nữa nữa nữa, đó là việc chúng ta sẽ rủ rỉ tai nhau những con số bạn đã dành bao nhiêu % thu nhập của mình back lại việc phát triển bản thân. Nếu bạn sống 1 mình trong 1 thế giới, có 1 người nói với bạn tiêu chuẩn chi là 10%, thì chắc bạn sẽ chỉ chi đâu đó quanh con số 10%. Nhưng nếu có 30 người ở bên cạnh bạn, có người ít hơn, có người nhiều đến 30%, thì chắc hẳn bạn sẽ hành xử khác. Đấy là điểm thú vị của việc tạo ra những công cuộc thay đổi trong tổ chức. Bạn không đứng lẻ loi một mình, mà luôn có một nhóm cùng thực hiện hành vi để so sánh. Khi so sánh, bạn sẽ có động lực và muốn tiến đi xa hơn nữa chứ không dừng lại ở bất cứ con số nào.
Giờ là đến lúc làm Toán. Hãy cùng thực hành quy đổi Thời gian & Công sức phát triển cá nhân thành Tiền, và chia nó cho thu nhập của bạn nhé.
Việc phát triển bản thân mình chia thành rất nhiều loại và kiểu khác nhau. Có những thứ nhìn được như những khoá học online, offline, như sách vở, như dụng cụ học tập (máy tính, kindle, tài khoản học) đến những thứ không nhìn được như Giá trị thời gian.
Cách tính giá trị thời gian như sau: Hãy lấy thu nhập hàng tháng của bạn chia cho 176 (22 ngày trong tháng * 8 tiếng/ngày) → 1 giờ lao động của mình có giá bao nhiêu tiền? Lấy số tiền này nhân với thời gian bạn đã bỏ ra trong 3 tháng vừa rồi để học/phát triển bản thân, thì bạn sẽ ra được giá trị của thời gian bạn dành cho phát triển bản thân mình.
Sau đó bạn hãy cộng tổng những gì nhìn được & giá trị thời gian bạn bỏ ra và chia cho thu nhập con mình. Nếu con số nhỏ hơn 10%, thì bạn cần nhìn lại hoạt động phát triển bản thân của mình đấy.
Lấy 1 ví dụ cho dễ hiểu:
Mình là sinh viên mới ra trường, học lực tốt tiếng Anh tốt nên lương khởi điểm của mình đã là 10 triệu/tháng. Mình đi làm 8 tiếng/ngày. Tháng này mình có 1 số hoạt động cho phát triển bản thân như sau:
-Học khoá thiết kế trên PTS, AI, học trong vòng đúng 1 tháng, giá khoá học 1,500,000 VNĐ. Mình đi học 3 buổi/tuần. Vì tính giá trị khoá học rồi nên ko quy đổi thời gian chỗ này nữa.
-3 buổi tối còn lại trong tuần, mình dành mỗi ngày 01 tiếng để đọc sách. Tháng này mình mua 2 cuốn sách mới để đọc là Kỹ năng lãnh đạo đội nhóm & Nghệ thuật quảng cáo. Giá 2 cuốn là 200,000 VNĐ. Lương 10 triệu nên 1 giờ làm việc của mình có giá 57,000 VNĐ. Như vậy trong tháng mình có tổng cộng 12 tiếng đọc sách. Trị giá = 684,000 VNĐ
-Như vậy total mình đã chi tổng cộng: 1,500,000 (khoá học) + 200,000 (sách) + 684,000 (thời gian đọc sách) = 2,384,000 VNĐ. Con số này chiếm 23% thu nhập của mình một tháng.
Đến đây, mình quay lại việc tại sao 10% lại là con số báo động đỏ. Nếu bạn đã từng nghe quy tắc tài chính cá nhân trong 6 chiếc hộp thì hẳn còn nhớ các chuyên gia có khuyên chúng ta nên để dành 10% thu nhập cho việc học tập và phát triển bản thân mình.
Hôm chia sẻ ở Magestore, mình có cho mọi người cùng thực hiện phép tính toán này, con số khá bất ngờ với những người tham gia ngày hôm đó, có bạn lên tới 30%, 40%. Lúc làm, mọi người có hỏi mình một câu: Chi phí cho việc tập luyện hoặc chạy bộ các kiểu, tập Gym có được coi là phát triển bản thân không? Mình gật đầu cái rụp. Chúng ta hiểu concept ở đây là dồn lại bao nhiêu một cách có chủ động cho bản thân mình. Growth mental health & physical health là 2 thứ song song không tách rời. Phải có một cơ thể khoẻ mạnh, thì mental health của chúng ta mới đảm bảo “vận hành” để input sách vở, bài giảng trở thành kiến thức kỹ năng và giúp chúng ta tăng hiệu suất, tăng giá trị của bản thân mình.
Một nghiên cứu cho rằng, chúng ta sẽ sợ cảm giác ko đạt được mục tiêu, hơn là việc thực sự cảm thấy thích thú (strong desire) trong việc đạt được mục tiêu đấy. Mình nghĩ quan điểm tâm lý này áp dụng trong góc nhìn mới của mình khá đúng. Thay vì việc cứ nghĩ cần học để tốt hơn nhưng ko biết làm như thế nào, bao nhiêu là đủ, thì chúng ta hãy tự đặt mình trong một nỗi sợ hãi. Nếu cần chi 10% thu nhập cho phát triển bản thân thì chúng ta đã chi bao nhiêu rồi? Đủ chưa? Ồ chưa đủ sao? Liệu mình có đang kém đi.
Nếu bạn cần một thuật ngữ cho quỹ cá nhân này, các bạn Tây có một từ hay là “Self Development Fund” Khi làm chiến lược cho sự phát triển bản thân mình, chúng ta cũng nên đứng ở view nhìn thu nhập cả năm (thậm chí vài năm), hơn là thu nhập một tháng. Vì sẽ có một số khoá học, một số hoạt động trải dài trong cả năm chứ ko chỉ gói gọn 1 tháng. Và nếu không “broaden” view nhìn lên một năm, chúng ta sẽ không dám chi cho hoạt động đầu tư này.
Ví dụ nhé: Bạn kiếm được 10 triệu/tháng. Thì một khoá học 7 triệu với bạn sẽ là rất nhiều nếu chỉ so sánh trong 1 tháng. Nhưng nếu làm con số cả năm, 10 triệu/tháng x 12 tháng/năm = 120 triệu/năm. Self Development Fund 10% = 12 triệu. Thì bạn sẽ thấy con số 7 triệu là hoàn toàn trong Budget của mình.
Bản thân mình cũng đã chứng kiến rất nhiều người bạn xung quanh mình cực kỳ mạnh tay chi tiền cho các khoá học phát triển, cho việc đọc sách, thuê người coach..nhưng cũng có rất nhiều bạn chỉ đi làm, rồi về, rồi lại đi làm và về mà không có thêm hoạt động “growing” cho bản thân mình. Mình hy vọng bài chia sẻ góc nhìn mới này sẽ giúp mọi người có một cái gì đó khác đi. Vì một góc nhìn mới, sẽ giúp chúng ta có những hành động mới, thói quen mới, và một cuộc đời khác-trước.
Jasmine
Tháng 8/2019